Trung tâm Hoàng Đức phát triển mảng Tâm lý học trường học

[HDCE] – Hỗ trợ những khó khăn tâm lý, chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh luôn là chủ đề và con đường xuyên suốt mà những người sáng lập Hoàng Đức theo đuổi. Ngay từ những năm 2010 đến nay, nhóm phát triển Hoàng Đức đã có những nghiên cứu đầu tiên về vấn đề giáo dục giới tính cho học sinh phổ thông, rồi tiếp theo là các nghiên cứu về mô hình hoạt động Tâm lý học trường học tại Đồng Nai, nghiên cứu về mô hình rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh cấp hai ở Biên Hoà, nghiên cứu về mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên nghiện internet – game online… Tất cả các nhiên cứu trên đều được thực hiện cực kỳ công phu, được công bố kết quả trên các tạp chí uy tín hoặc sách chuyên khảo. Và lẽ dĩ nhiên, việc tổng hợp các nghiên cứu thực chứng và nền tảng kinh nghiệm thực hành lâu năm ấy luôn được nhóm ấp ủ để chuyển hoá thành việc ứng dụng vào thực tế chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho trẻ em và thanh thiếu niên. Công việc ấy đòi hỏi phải thành lập một trung tâm tâm lý học ứng dụng để có thể cung cấp các dịch vụ một cách chuyên nghiệp trong lĩnh vực tâm lý học trường học này.

Trên cơ sở những ý tưởng phát triển mà Hoàng Đức sẽ đi trong thời gian tới, ngày 12/6/2018 vừa qua, cùng với Sở Giáo dục & Đào tạo, Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục Đồng Nai và Báo Đồng Nai, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức đã tham gia tổ chức hội thảo “Tâm lý trường học ở Đồng Nai: Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo có sự tham dự của hơn 300 người là các nhà quản lý giáo dục, nhà giáo và chuyên viên tâm lý, bác sĩ tâm thần đang công tác tại Đồng Nai.TS Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Hoàng Đức đồng chủ trì và báo cáo chính tại thảo với chủ đề “Mô hình Tâm lý học trường học tại các trường phổ thông ở Đồng Nai”.

Báo cáo tại hội thảo, PGS TS Nguyễn Văn Thọ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 đã trình bày những kết quả khảo sát về tỷ lệ một số rối loạn tâm thần trong suốt những năm qua mà TS đã nghiên cứu. Kết qủa này chỉ ra rằng có khoảng 10 – 20% trẻ em và thanh thiếu niên có các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, trong đó ở lứa tuổi tiểu học chủ yếu là các vấn đề về rối loạn hành vi, rối loạn chuyên biệt học tập, lo âu, ở lứa tuổi THCS, THPT thì các vấn đề chủ yếu thường gặp ở các em là các vấn đề về cảm xúc như lo âu, ám sợ, hay vấn đề về khí sắc như trầm cảm, hoặc các vấn đề hành vi như chống đối, hoặc tự sát… PGS. TS Nguyễn Văn Thọ cũng đề xuất phải đưa việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho học sinh là thực sự quan trọng, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay.

TS Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức, Phó chủ tịch Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục Đồng Nai cho rằng, việc chăm sóc đời sống tâm lý cho học sinh cần phải có sự tham gia của các nhà giáo trong tổ tư vấn tâm lý tại trường, cũng như phải có các nhà tâm lý chuyên nghiệp. Việc cung cấp dịch vụ cho trường học theo 3 cấp độ của Hiệp hội Tâm lý học trường học Hoa Kỳ (mà nhóm nghiên cứu của TS Công đã thích ứng) cần thiết phải có các nhà Tâm lý học trường học được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm mới có thể triển khai được. Trong thời gian tới, Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục Đồng Nai và Trung tâm Hoàng Đức sẽ cung cấp nhiều hơn các dịch vụ hỗ trợ cho các trường học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhất là việc phải thành lập một trung tâm tâm lý học ứng dụng chuyên nghiệp cho lĩnh vực này.

Ngoài các báo cáo chính của hội thảo, nhiều người tham dự cũng đã có những phát biểu thảo luật để làm rõ hơn cho việc phát triển tâm lý học trường học ở Đồng Nai. Trong đó CN Nguyễn Công Bình, Trưởng phòng Đánh giá & Giáo vụ (Trung tâm Hoàng Đức) cho rằng “Với tư cách là một chuyên viên tâm lý lâm sàng, chúng tôi cho rằng có rất nhiều vấn đề về sức khoẻ tâm thần của học sinh mà các chuyên viên tâm lý trường học không thể thực hành được như vấn đề rối loạn học tập, vấn đề rối loạn hành vi,… Chính vì thế, trường học cần phải có phương án phối hợp và chuyển ca cho trung tâm có thực hành tâm lý lâm sàng chuyên nghiệp”.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Ông Đào Đức Trình, Phó giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Đồng Nai cho rằng, tại Đồng Nai trong những năm qua luôn quan tâm và triển khai nhiều hoạt động về tâm lý trường học, tuy nhiên, từ năm học tới, Sở sẽ phối hợp với Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này theo hướng chuyên nghiệp hơn. Đây cũng là mong đợi và kỳ vọng của những người tham dự hội thảo và đa số phụ huynh trong toàn tỉnh.

Nhóm phát triển dự án của Hoàng Đức cũng đã xây dựng và phát triển dự án Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Tâm An (www.apta.vn) tại TP Biên Hoà, Đồng Nai để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong trường học. Trung tâm cũng đã nhận được lời mời cộng tác và chuyển ca thường xuyên của ít nhất 3 trường phổ thông (Tiểu học, THCS, THPT) và 01 trường Đại học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đây là hướng đi trọng tâm trong năm tới mà Hoàng Đức Team sẽ phát triển.

Một số hình ảnh tại hội thảo.

(Hình 1. TS Lê Minh Công trình bày tại hội thảo)

(Hình 2. Chủ toạ điều hành hội thảo)

(Hình 3. Đông đảo giáo viên, chuyên viên tâm lý, phụ huynh và học sinh tham dự hội thảo)

(Tin bài: Ban Truyền thông)

 

Tin tức khác