Hội thảo "Chơi với con ở nhà"
Trong quá trình chăm sóc và can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển, việc phối hợp cùng can thiệp trẻ giữa chuyên viên và phụ huynh là vô cùng quan trọng. Trong đó, sự tiến bộ của trẻ phụ thuộc vào yếu tố gia đình là phần nhiều. Tuy nhiên, đa số phụ huynh chưa dành nhiều thời gian chơi với con ở nhà, hoặc có chơi nhưng để con chơi một mình hoặc không biết cách chơi với con. Nên hầu như thời gian ở nhà buổi tối và những ngày được nghỉ can thiệp tại Trung tâm thì gia đình chủ yếu dành thời gian để chăm sóc bé chứ chưa biết cách dạy bé. Dựa trên thực trạng đó, với mong muốn nâng cao chất lượng can thiệp cho trẻ đang can thiệp tại Trung tâm trên cơ sở cùng phối hợp can thiệp giữa nhà trường và phụ huynh. Sáng ngày 7/5/2017, Trung tâm hỗ trợ phát triển hòa nhập giáo dục trẻ tự kỷ Hoàng Đức đã tổ chức buổi Workshop “Chơi với con ở nhà” dành cho các bậc phụ huynh có con em gặp các vấn đề về tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ và chậm phát triển. Đến tham dự có hơn 70 phụ huynh và các chuyên viên can thiệp.
Tại đây các bậc phụ huynh được chuyên gia tâm lý giới thiệu về tầm quan trọng cũng như vai trò của hoạt động chơi ở nhà đối với trẻ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ hay chậm phát triển. Theo các chuyên gia tâm lý hoạt động chơi được chia thành nhiều loại tương ứng với từng lứa tuổi: Chơi khám phá sử dụng giác quan; Chơi chức năng (giai đoạn từ lúc sinh ra đến 2 tuổi); Chơi biểu tượng, chơi xây dựng, chơi giả vờ (trẻ từ 2 đến 5 tuổi). Cũng như đồ chơi có nhiều dạng: đồ chơi cảm giác, đồ chơi nguyên nhân, kết quả, đồ chơi xây dựng, đồ chơi mô hình, và đồ chơi là bất cứ thứ gì theo tưởng tượng của bé…
Trẻ tự kỷ có thể có khả năng tập trung lâu một cách đáng kinh ngạc. Vấn đề là muốn trẻ có được sự tập trung “tương tác” tốt thì phải làm thế nào? Hãy khuyến khích trẻ nói các từ thay vì các dấu hiệu. Hãy sử dụng các đồ chơi và vật thể mà trẻ có thể gọi được tên. Hãy giới thiệu các từ thuộc về hành động, ví dụ hãy nói: đi, nhảy, ngủ trong khi bạn đang làm cho các đồ chơi có hành động như vậy. Hãy xem bé có yêu cầu bạn nhắc lại các điều đó hay không. Hãy bắt đầu với một số từ hành động quen thuộc và sử dụng chúng trong rất nhiều tình huống. Hãy nói với trẻ về việc bạn đang làm. Hãy chơi các trò chơi ngoài trời để bạn có điều kiện nói về các hành động. Hãy chạm vào vật thể mà bạn đang nói tới nếu có thể. Hãy nói về vật tính của vật thể: ví dụ như màu sắc, hình dáng. Hãy thu nhập thật nhiều các vật khác nhau nhưng có cùng một màu hãy chạm vào vật đó và nói, ví dụ “màu vàng, màu vàng,…” Hãy giữ thông điệp trên khuôn mặt của bạn, giọng nói của bạn và ngôn ngữ của bạn để bắt đầu trò chơi….
Chính vì sự đa dạng về phương pháp và cách thức chơi nên mỗi phụ huynh cần phải hiểu và nắm kỹ thuật để chơi với con đúng cách, phù hợp với tình trạng của bé nhằm biến thời gian ở nhà với con thành những giờ can thiệp thiết thực nhất.
Nhân dịp này các bậc phụ huynh cũng đã trao đổi ý kiến, tình huống đã gặp phải khi chơi ở nhà với con và được chuyên gia tâm lý tư vấn giải đáp tận tình. Bố mẹ không nhất thiết phải dành quá nhiều thời gian để chơi đùa cùng con, có thể chỉ cần 15 phút mỗi ngày, nhưng đó phải thực sự là khoảng thời gian chất lượng và có ý nghĩa giúp con tiến bộ mỗi ngày.
(Ngọc Diễm)
Tin tức khác
- Hoàng Đức tổ chức hội nghị tổng kết năm 2021 và thảo luận chiến lược năm 2022
- 31 trẻ được đánh giá chuyển tiếp trong quý I năm 2021
- Họp nhóm liên ngành đánh giá và can thiệp với người khuyết tật tại cộng đồng
- Công ty Hoàng Đức tổ chức hội nghị tổng kết năm 2020
- Hoàng Đức tổ chức triển lãm tranh của trẻ tự kỷ
- Hoàng Đức tổ chức đào tạo nhân viên mới năm 2020
- Hoàng Đức tập huấn trắc nghiệm ASEBA