Hoàng Đức tổ chức thành công khoá tập huấn WISC-IV-VN

[HDCE] Từ 16 – 20/7/2018 tại Trường Đại học Đồng Nai, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức (Trung tâm Hoàng Đức) đã phối hợp cùng Trung tâm thông tin hướng nghiệp và nghiên cứu, ứng dụng tâm lý (Tường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức khóa tập huấn “Hướng dẫn sử dụng và diễn giải kết quả trắc nghiệm đánh giá trí tuệ Wechsler cho trẻ em Việt Nam – WISC-IV-VN” và trao chứng nhận cho 35 học viên là các bác sĩ tâm thần, chuyên viên tâm lý, chuyên viên giáo dục đặc biệt đến từ hơn 20 trung tâm, bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Dương.

Trong 5 ngày làm việc, hai giảng viên là PGS. TS Trần Thành Nam và Ths Hồ Thu Hà đến từ Khoa Các khoa giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã cung cấp cho học viên các lý thuyết trí tuệ, tổng quan về trắc nghiệm WISC-IV phiên bản Việt Nam cũng như quá trình thích ứng trắc nghiệm tại Việt Nam. Đồng thời, các học viên cũng được các giảng viên dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn quy trình, và thực hành khi thực hiện trắc nghiệm WISC-IV, cách thức tính điểm và phân tích, diễn giải kết quả trắc nghiệm.

Ngoài mục đích nâng cao năng lực về đánh giá trí tuệ cho các nhà chuyên môn khu vực miền Nam, khóa tập huấn cũng là cơ hội để kết nối đội ngũ chuyên môn lại cùng nhau, hướng đến việc phát triển nhóm chuyên môn sâu hơn trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng. Phát biểu tại lễ bế mạc khoá tập huấn TS Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Hoàng Đức cho rằng “Với sứ mệnh của mình, Hoàng Đức luôn cam kết mang đến cho cộng đồng những sản phẩm có chất lượng và đảm bảo chuyên môn cao. Chính vì thế, Hoàng Đức đã phối hợp để tổ chức khoá tập huấn này nhằm nâng cao năng lực của mình cũng như giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ các nhà chuyên môn tại khu vực miền Nam. Hoàng Đức đang đẩy mạnh xây dựng nhóm đa ngành bao gồm các bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý lâm sàng, chuyên viên giáo dục đặc biệt, chuyên viên âm ngữ, chuyên viên tâm vận động, hoạt động trị liệu để có thể giúp cho trẻ rối loạn phát triển một cách tối ưu nhất. Trong thời gian tới, Hoàng Đức sẽ triển khai nhiều hoạt động huấn luyện và đào tạo hơn nữa cho đội ngũ các nhà chuyên môn, đồng thời cũng kết nối để cung cấp các thông tin trung thực, khách quan về các cơ sở đảm bảo chất lượng trong đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ, chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ ... giúp cho phụ huynh và trẻ có cơ hội tiếp cận các nhà chuyên môn có đủ năng lực và đạo đức”.

PGS. TS Trần Thành Nam cũng cho rằng, với tư cách là Trưởng Khoa các Khoa học giáo dục của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội, TS Nam và các cộng sự sẽ kết nối nhiều hơn nữa với Trung tâm Hoàng Đức để phát triển chuyên môn sâu hơn, hướng tới việc kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở nghiên cứu, đào tạo và thực hành một cách hiệu quả. PGS. TS Nam cũng đánh giá cao công tác tổ chức, và kết nối mà Trung tâm Hoàng Đức đã làm được trong suốt những năm vừa qua.

CN Trần Thị Hải, học viên của khoá tập huấn cũng cho rằng, những gì thu được từ chương trình này là cực kỳ quan trọng trong hành trang thực hành nghề nghiệp của mình. Kiến thức, kỹ năng và công cụ của WISC-IV đã giúp cho các nhà tâm lý có thêm một công cụ khách quan, được thích ứng chuyên nghiệp, hiện đại. Trắc nghiệm WISC – IV không chỉ cung cấp cho nhà thực hành lâm sàng chỉ số trí tuệ, mà còn cho biết những thông tin cơ bản, sâu sắc về sự vận hành trí thông minh của thân chủ. Rõ ràng, đây là chìa khoá quan trọng giúp các nhà thực hành lâm sàng hiểu rõ hơn về những điểm mạnh, điểm yếu trong trí tuệ của trẻ.

Được biết, trong 6 tháng cuối năm 2018, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức sẽ tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm thông tin hướng nghiệp và nghiên cứu, ứng dụng tâm lý (Tường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức khoá 2 “Hướng dẫn sử dụng và diễn giải kết quả trắc nghiệm đánh giá trí tuệ Wechsler cho trẻ em Việt Nam – WISC-IV-VN”. Tổ chức hay cá nhân nào quan tâm có thể liên hệ trước qua Trung tâm Hoàng Đức./.

(Hình 1. Các học viên và giảng viên của khoá tập huấn)

(Hình 2. Quang cảnh buổi tập huấn)

(Hình 3. PGS. TS Trần Thành Nam giảng dạy tại khoá tập huấn)

(Hình 4. Hướng dẫn thực hành WISC - IV)

(TS Lê Minh Công phát biểu tại khoá tập huấn)

(Tin, bài: Ngọc Diễm)

Tin tức khác