Hoàng Đức tổ chức họp phụ huynh và hội thảo chuyên đề

[HDCE] Sáng ngày 7/10/2018, tại hội trường Trường Đại học Đồng Nai, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức đã tổ chức Họp hội nghị phụ huynh quý 3.2018 và hội thảo chuyên đề "Can thiệp sớm - Những gì phụ huynh có thể giúp con" do BS Nguyễn Minh Tiến, Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục TP Hồ Chí Minh trình bày.

Tham dự buổi họp hội nghị phụ huynh và hội thảo chuyên đề có sự tham dự của toàn thể cán bộ, nhân viên và gần 100 phụ huynh (chiếm tỷ lệ 60% phụ huynh) có con đang can thiệp tại trung tâm.

Báo cáo tổng kết của trung tâm cho thấy, trong quý 3 vừa qua, hệ thống nhân sự toàn trung tâm đã phát triển lên 43 người, trong đó có 37 nhân sự là các nhà chuyên môn thuộc nhóm đa ngành: tâm thần học, tâm lý lâm sàng, âm ngữ trị liệu, giáo dục đặc biệt và công tác xã hội. Nhân sự của trung tâm phát triển theo hướng đa ngành cho thấy mục tiêu phát triển đa dạng hoá nguồn nhân sự có chất lượng cao là cực kỳ quan trọng trong việc tiến tới một mô hình đánh giá và can thiệp hiện đại, tiệm cận các trung tâm tiên tiến trên thế giới. Có thể nói, chỉ sau 3 năm thành lập, hiện nay trung tâm là một trong số ít các tổ chức tại Việt Nam phát triển được đội ngũ nhân sự đa ngành.

Để phát triển mạnh mẽ được đội ngũ nhân sự như trên, ngoài việc tuyển dụng và đào tạo nội bộ thì trung tâm cũng đã cử nhiều đợt nhân sự đi học dài hạn tại các trường đại học uy tín tại Việt Nam với các chương trình như “Đánh giá & can thiệp các rối loạn trong bối cảnh học đường”, “Âm ngữ trị liệu”, “Giáo dục đặc biệt”.

Về mảng đánh giá và giáo vụ, trong quý 3 vừa qua, trung tâm cũng đã cử nhân sự Phòng Đánh giá & Giáo vụ đi học tập và tiếp nhận chuyển giao 3 thang đánh giá phát triển và thang đánh giá hành vi cảm xúc của trẻ em. Điều này thể hiện sự quyết tâm của trung tâm trong việc nâng cao chất lượng hệ thống đánh giá, làm nền tảng cho việc hoạch định chiến lược và hoạt động can thiệp được hiệu quả hơn. Tổng số trường hợp đến khám và đánh giá trong quý vừa qua là gần 90 trường hợp, tuy nhiên trung tâm chỉ có thể tiếp nhận vào can thiệp (bán trú và ngoài giờ) là hơn 20 trường hợp. Việc chưa đáp ứng đủ cơ sở vật chất để tiếp nhận trẻ vào can thiệp so với nhu cầu thực tế đang là một day dứt của các nhà chuyên môn đang làm việc tại trung tâm.

Về đánh giá chuyển tiếp, trong quý 3 vừa qua, trung tâm đã đánh giá chuyển tiếp cho 4 trẻ từ lớp Can thiệp sớm 1 lên Can thiệp sớm 2, và 12 trẻ từ Can thiệp sớm 2 ra học hoà nhập tại các trường mầm non, trường tiểu học. Đồng thời, trung tâm cũng đã cử chuyên viên Công tác xã hội hỗ trợ cho các trẻ ra hoà nhập một cách tích cực nhất.

Trong buổi họp phụ huynh, các chuyên viên đánh giá cũng đã dành phần lớn thời gian để báo cáo kết quả can thiệp trong quý, thảo luận, chia sẻ và trao đổi kế hoạch can thiệp trong quý 4 cho từng trẻ. Đây là hoạt động thường niên nhằm kết nối giữa trung tâm và phụ huynh trong việc can thiệp cho trẻ. Điều này giúp cho trẻ phát triển tốt hơn.

Nhân dịp buổi họp phụ huynh, trung tâm cũng đã mời BS Nguyễn Minh Tiến, Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục TP Hồ Chí Minh đến nói chuyện chủ đề "Can thiệp sớm - Những gì phụ huynh có thể giúp con". Nội dung của hội thảo chuyên đề giúp quý phụ huynh có them nhiều kiến thức và kỹ năng trong hỗ trợ, can thiệp cho con tại nhà.

Quý vị có thể tham khảo báo cáo quý 3.2018 tại: TT Hoàng Đức báo cáo quý 3.2018.pdf

Tham khảo bài trình bày "Can thiệp sớm - những gì phụ huynh có thể giúp con" tại: Can Thiệp Sớm Tự Kỷ - BH 7-10-2018 (1).pdf

Một số hình ảnh tại buổi họp phụ huynh quý 3 và hội thảo chuyên đề:

(Bài và ảnh: Anh Thư)

 

Tin tức khác