Hoàng Đức tổ chức họp phụ huynh quý 2 năm 2017

[HDCE] – Ngay từ khi bắt đầu thành lập, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức đã xác định việc thường xuyên trao đổi thông tin với phụ huynh không những hỗ trợ, giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của trẻ, mà còn hướng tới giá trị mà trung tâm theo đuổi, đó là sự trung thực với các công việc mà mình đang làm. Sáng ngày 23 tháng 7 năm 2017, trung tâm đã tổ chức buổi họp phụ huynh định kỳ quý 2 với các nội dung chủ yếu: 1) Báo cáo hoạt động của trung tâm trong quý 2, phương hướng hoạt động quý 3 năm 2017; 2) Báo cáo các kết quả can thiệp của trẻ trong quý, và xây dựng mục tiêu, hoạt động can thiệp trong quý kế tiếp; 3) Ngoài ra, ghi nhận các ý kiến đóng góp của quý phụ huynh đề nâng cao năng lực hoạt động cho trung tâm.

Phát biểu khai mạc buổi họp, TS Lê Minh Công, giám đốc trung tâm cho rằng, việc kết nối và báo cáo trung thực hoạt động của trung tâm với phụ huynh là vô cùng cần thiết. Nó mang lại sự hiểu biết và chia sẻ cùng nhau trên một mục tiêu chung giữa phụ huynh và trung tâm, đồng thời giúp cho trẻ có nhiều cơ hội trong việc phát triển hơn.

CN Nguyễn Thị Mai, phó giám đốc, đã đại diện trung tâm trình bày toàn bộ các hoạt động của trung tâm trong quý 2, mà trọng tâm là các hoạt động liên quan đến đánh giá, can thiệp, phát triển năng lực tổ chức và các hoạt động hướng đến hỗ trợ phụ huynh và trẻ. Theo đó, chỉ trong quý vừa qua, trung tâm đã tiếp nhận khám, đánh giá cho 46 trẻ, trong đó có 21 trẻ được cho vào can thiệp theo mô hình bán trú, 25 trường hợp theo chương trình can thiệp ngoài giờ. Về cơ cấu các rối loạn, tật mà trẻ khám, đánh giá đầu vào, có 22% trẻ rối loạn phổ tự kỷ, 40% trẻ có rối loạn ngôn ngữ, 8% trẻ chậm phát triển trí tuệ mức nhẹ và 30% trẻ có các rối loạn khác (như rối loạn hành vi, rối loạn học tập). Tổng số trẻ đang can thiệp tại trung tâm hiện có 109 trẻ, trong số đó có 70 trẻ đang theo học chương trình bán trú, và 39 trẻ đang theo chương trình can thiệp ngoài giờ hay theo buổi. Cũng trong quý 2. 2017, trung tâm đã đánh giá chuyển tiếp cho 4 trẻ được chuyển từ lớp can thiệp sớm 1 (CTS1) lên lớp can thiệp sớm 2 (CTS2), 5 trẻ được chuyển tiếp từ lớp CTS2 và 8 trẻ can thiệp ngoài giờ ra học hòa nhập các trường mầm non hay tiểu học. Đây là những thành tích đáng ghi nhận của toàn thể cán bộ, nhân viên của trung tâm trong 3 tháng vừa qua.

Cũng theo báo cáo, trong quý 2, trung tâm hướng đến việc nâng cao năng lực cho nhân sự và định hướng rõ mô hình các nhóm chuyên viên bao gồm: bác sĩ tâm thần (hợp đồng bán thời gian), chuyên viên tâm lý lâm sàng, chuyên viên âm ngữ trị liệu, chuyên viên hoạt động trị liệu, và chuyên viên giáo dục đặc biệt. Trong quý 2, 2 chuyên viên của trung tâm được cử tập huấn khóa dài hạn 3 năm về đánh giá và can thiệp trẻ rối loạn học tập, 1 chuyên viên hoàn thiện chương trình chứng chỉ 1 năm về Âm ngữ trị liệu, 1 chuyên viên tập huấn nâng cao năng lực đánh giá trí tuệ qua thang WISC – IV. Ngoài ra trung tâm cũng tổ chức 2 khóa nâng cao cho toàn thể nhân sự, bao gồm khóa 6 ngày về mô hình Denver, xây dựng mục tiêu và phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ, khóa 3 ngày về phương pháp phân tích hành vi ứng dụng (ABA). Cả hai khóa tập huấn đều do các chuyên gia được đào tạo chuyên sâu về giáo dục đặc biệt và ABA từ Hoa Kỳ đến huấn luyện.

Trung tâm cũng xác định, việc kết nối với phụ huynh là vô cùng cần thiết, chính vì thế trong quý vừa qua, Phòng truyền thông và chăm sóc khách hàng đã nâng cấp website, hoàn thiện hệ thống tương tác qua số điện thoại hotline (0912.191315) và trang Facebook của trung tâm (https://www.facebook.com/hoangducedu/) để phụ huynh có nhiều cơ hội tìm hiểu và trao đổi thông tin về trẻ , về chuyên môn (xin xem báo cáo chi tiết tại đây: Bao cao quy 2.pdf )

Tại buổi họp, nhiều phụ huynh đã đặt ra các câu hỏi và thảo luận liên quan đến vấn đề phát triển năng lực cho phụ huynh, việc dành thời gian chơi với con như thế nào, cách thức để cùng nhau chia sẻ, tạo sự kết nối. Hay nhiều phụ huynh trao đổi sâu hơn về vấn đề chẩn đoán, đánh giá của con, hoặc sự tin tưởng, mong muốn trung tâm phát triển hơn cho nhiều trẻ tại Đồng Nai có cơ hội phát triển. Tất cả các câu hỏi đều được TS Lê Minh Công, đại diện trung tâm giải đáp và chia sẻ một cách sâu sắc, đa chiều, và tin tưởng.

Ngoài phiên toàn thể của buổi họp, gần 60 phụ huynh dự họp cũng được từng bộ phận, từng chuyên viên giải đáp cá nhân sự phát triển của con mình trong 3 tháng vừa qua dựa vào bộ công cụ đánh giá cũng như quan sát. Hơn một giờ đồng hồ là khoảng thời gian mà phụ huynh và từng chuyên viên thảo luận rất kỹ về các mục tiêu sẽ can thiệp cho trẻ trong 3 tháng tiếp theo.

Dựa trên định hướng phát triển và những thảo luận từ phụ huynh, TS Lê Minh Công, giám đốc trung tâm cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2017, trung tâm sẽ hướng đến các hoạt động chủ đạo và chiến lược như: phát triển và mở rộng chi nhánh để đảm bảo chất lượng can thiệp; huấn luyện và đào tạo kỹ năng chơi với con dành cho phụ huynh; tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên viên theo hướng chuyên nghiệp; kết nối sâu hơn giữa phụ huynh và trung tâm.

Hình 1. Phụ huynh nhận tài liệu đánh giá định kỳ

Hình 2. TS Lê Minh Công phát biểu khai mạc

Hình 3. Phụ huynh thảo luận và đặt câu hỏi

Hình 4. Phụ huynh và chuyên viên đang nghe báo cáo hoạt động của trung tâm

Hình 5. Các chuyên viên và phụ huynh thảo luận về kết quả can thiệp của trẻ

Bài và ảnh: Hoàng Đức

 

Tin tức khác