Hoàng Đức tham dự hội nghị đầu năm của Hội Tâm lý
Sáng ngày 28/2/2016, tại Trường Đại học Đồng Nai, Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục tỉnh đã tổ chức gặp mặt hội viên nhân dịp Xuân Bính Thìn và hội nghị tổng kết công tác hội năm 2015, xây dựng phương hướng hoạt động của hội năm 2016. 12 hội viên thuộc chi hội Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức cũng đến tham gia hội nghị.
Tham dự hội nghị có sự tham dự của TS Nguyễn Thị Thu Lan – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học & Kỹ thuật tỉnh Đồng Nai cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban ngành của tỉnh. Về phía Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục tỉnh có sự tham dự của Ông Tạ Quốc Hạnh – Chủ tịch hội, TS Phạm Văn Thanh – Phó chủ tịch thường trực hội, Hiệu phó Trường Đại học Đồng Nai, Ths Phạm Thị Hải – Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch hội, Ths Lê Minh Công – Phó chủ tịch, Tổng thư ký hội cùng hơn 50 hội viên thuộc các chi hội: Trường Sĩ quan lục quân 2 (Bộ quốc phòng), Trường giáo dưỡng số 4 (Bộ công an), Trường Đại học Đồng Nai, Trường Cao đẳng an ninh nhân dân 2, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoảng Đức.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ông Tạ Quốc Hạnh, chủ tịch hội cho rằng, việc thường xuyên gặp mặt, trao đổi, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của hội và cùng thảo luận để xây dựng nhiệm vụ hoạt động tiếp theo là rất quan trọng đối với các hội nghề nghiệp, nhất là đối với Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục tỉnh Đồng Nai.
Báo cáo tổng kết công tác hội trong năm 2015, TS Phạm Văn Thanh thay mặt Ban chấp hành hội cho rằng, về công tác tổ chức hội trong năm qua, hội đã kết nạp thêm một chi hội trực thuộc là Chi hội Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức, nâng số chi hội trực thuộc tỉnh hội là 9 chi hội. Đồng thời, nâng tổng số hội viên của hội từ 150 hội viên lên 170 hội viên. Các ban, văn phòng, các chi hội trực thuộc hội làm việc rất hiệu quả và đạt được nhiều thành tích nổi bật, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về công tác nghiên cứu khoa học, trong năm 2015, hội đã hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Xây dựng mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên nhằm giảm nghiện internet – game online tại Đồng Nai” (đề tài do PGS. TS Nguyễn Văn Thọ và Ths Lê Minh Công đồng chủ nhiệm); “Xây dựng mô hình hoạt động Tâm lý trường học tại các trường phổ thông tại Đồng Nai” (đề tài do Ths Phạm Thị Hải và BSCK2 Nguyễn Văn Cầu đồng chủ nhiệm). Đồng thời, hội cũng đã bắt đầu ký hợp đồng và triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Hệ thống giải pháp phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tình Đồng Nai”, đề tài do TS Phạm Văn Thanh và Đại tá Nguyễn Thọ Hải đồng chủ trì. Ngoài ra, hội cũng đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học cấp tỉnh về các chủ đề như: khó khăn tâm lý của học sinh, nghiện internet – game online ở thanh thiếu niên, rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em, rối loạn học tập,… Các hội thảo khoa học của hội mang tính chuyên nghiệp cao, các tham luận của hội thảo là tài liệu rất có ích nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ các nhà tâm lý, giáo dục tại Đồng Nai, đồng thời giúp cho cộng đồng nâng cao nhận thức về các vấn đề bức xúc trong xã hội.
Về công tác phản biện và giám định xã hội, trong năm 2015, mặc dù hội chưa tham gia giám định hay phản biện độc lập các dự án kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, các thành viên của hội đã tham gia các hội đồng đánh giá, giảm định và phản biện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, dự án phát triển khoa học công nghệ, kinh tế - xã hội thuộc các sở, ban ngành của tỉnh quản lý. Các đóng góp phản biện này giúp cho các dự án được khách quan và có cái nhìn tích cực hơn, đồng thời làm sáng tỏ hơn, có hiệu quả hơn khi thực hiện. Ngoài ra, nhiều nhà khoa học của hội đã tham gia phản biện và đánh giá các đề tài của các tỉnh khác như: Vĩnh Long, Tây Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rĩa – Vũng Tàu,…
Về công tác truyền thông và phổ biến kiến thức, trong năm 2015, các chi hội trực thuộc, tỉnh hội đã tổ chức nhiều hoạt động khác nhau nhằm phổ biến kiến thức tâm lý học, giáo dục học như tổ chức các khóa huấn luyện về tự kỷ, phương pháp can thiệp cho hội viên và phụ huynh, giáo viên mầm non, tổ chức các hội thảo chuyên đề về bình đẳng giới, về tư vấn trong cộng đồng cho cán bộ phường xã, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về hôn nhân – gia đình cho công nhân, cán bộ và người lao động, về tình yêu – tình bạn cho học sinh, sinh viên,… Các hoạt động truyền thông đa dạng của hội mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng. Ngoài ra, nhiều thành viên của hội phối hợp với Báo Đồng Nai, Đài PTTH Đồng Nai viết các bài về tâm lý, sức khỏe tinh thần, hoặc giữ các trang chuyên đề của Báo, Đài.
Phương hướng hoạt động của hội trong năm 2016 được đánh giá là rất đa dạng và có chiều sâu. Đồng thời, tại hội nghị nhiều hội viên cũng đã thảo luận, góp ý kiến để kế hoạch hoạt động của hội trong năm 2016 được phong phú hơn. Theo đó, trong năm 2016, hội tập trung vào việc kiện toàn, củng cố số lượng hội viên, nhất là việc cần thiết phải phát triển Chi hội các trường phổ thông, ngoài ra, cần tổ chức nhiều buổi tọa đàm, trao đổi và giao lưu giữa các chi hội nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tổ chức hội. Đồng thời các hoạt động nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức cũng cần được phát huy hơn nữa. Về công tác giám định và phản biện xã hội, hội cần phải chủ động hơn nữa trong đề xuất các ý tưởng, giải pháp và tiếp cận trực tiếp với các sở, ban ngành địa phương để có thể tham gia vào công tác giảm định và phản biện xã hội. Trong năm 2016, hội cũng đã đăng cai tổ chức hội thảo quốc gia của Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam tại Trường Đại học Đồng Nai.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, TS Nguyễn Thị Thu Lan - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động nổi bật thuộc Liên hiệp hội, các hoạt động được đánh giá cao bao gồm công tác giáo dục, truyền thông và nghiên cứu khoa học. Mặc dù là đơn vị đặc thù bởi có các chi hội hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng các hoạt động của hội luôn đạt hiệu quả cao. Vì thế, hội cần phát huy hơn nữa, nhất là phát huy thế mạnh về đội ngũ các nhà khoa học chất lượng cao của hội”.
Kết luận hội nghị, Ông Tạ Quốc Hạnh, chủ tịch hội cho rằng, các ý kiến thảo luận và đóng góp của các vị khách quý, hội viên tham dự hội nghị sẽ được Ban chấp hành tiếp thu và hoàn chỉnh. Trong năm 2016, hội sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động hơn nữa vào các lĩnh vực phát triển tổ chức hội, nhất là công tác giao lưu giữa các chi hội, thu phí hội viên. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động là thế mạnh của hội như nghiên cứu khoa học và truyền thông, phổ biến kiến thức tâm lý học, giáo dục học.
Toàn cảnh hội nghị gặp mặt đầu năm
TSPhạm Văn Thanh – Phó chủ tịch Hội báo cáo trước hội nghị
Chị Nguyễn Thị Mai - Chi hội Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức phát biểu tại hội nghị
Tin tức khác
- Chuẩn bị các kỹ năng cho giai đoạn “Tiền học đường” của trẻ
- Mùa Giáng sinh ngọt ngào tại Hoàng Đức
- TRẺ THÍCH THÚ THAM GIA HOẠT ĐỘNG THU HOẠCH RAU CÙNG CÁC CHUYÊN VIÊN TẠI HOÀNG ĐỨC
- Chuỗi hoạt động chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 tại Trung tâm trẻ tự kỷ Hoàng Đức
- Trẻ hào hứng với trải nghiệm xem phim tại Hoàng Đức
- Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đến thăm quan Hệ thống Trung tâm Trẻ tự kỷ Hoàng Đức.
- Hoàng Đức đón chào hơn 80 sinh viên Trường Đại học Công nghệ TP.HCM kiến tập thực tế