Âm ngữ trị liệu Nhi tại Đồng Nai

Ngày 14-9, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức lễ trao chứng chỉ tốt nghiệp cho 31 học viên lớp âm ngữ trị liệu nhi. Tại buổi lễ, PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân (Hiệu trưởng nhà trường) khẳng định, các học viên sau khi ra trường đã phát huy năng lực bản thân trong quá trình điều trị bệnh nhi bị rối loạn ngôn ngữ như chậm nói, nói không hoàn chỉnh và đáp ứng được nhu cầu phục vụ tại các bệnh viện nhi, trung tâm khuyết tật, lớp hòa nhập, trường chuyên biệt. Hiện nay tỷ lệ trẻ khó khăn trong ăn, nói, nuốt chiếm 15% (tương đương 13 triệu người) rất cần sự hỗ trợ của các chuyên gia điều trị về âm ngữ.

Trước năm 2010, Việt Nam không có chuyên viên Âm ngữ trị liệu hay các khoá đào tạo chính quy nào về Âm ngữ trị liệu, cho đến khi TFA hợp tác với đại học Phạm Ngọc Thạch ở TP.HCM.

Trinh Foundation Australia (TFA) là tổ chức tình nguyện, phi lợi nhuận được thành lập tại Úc. Năm 2008 TFA bắt đầu cộng tác với trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để đào tạo chuyên viên âm ngữ trị liệu đầu tiên ở Việt Nam.

Chúng tôi được biết, hiện tại ở Tỉnh Đồng Nai đã có 1 chuyên viên đầu tiên được đào tạo về Âm ngữ trị liệu Nhi. Đó là CN. Nguyễn Thị Mai, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức. Cô tham gia khóa đào tạo liên tục trong 1 năm, với tổng số tiết học 1104 tiết (cả lý thuyết và thực hành).

Âm ngữ trị liệu là một chuyên ngành điều trị cho các bệnh nhân có rối loạn liên quan đến giao tiếp hoặc nuốt như: người sau tai biến, sau phẫu thuật cắt bỏ thanh quản, sau khi được trị sứt môi - chẻ vòm; bệnh nhân bị liệt dây thanh toàn phần hoặc bán phần, phục hồi tiếng nói sau khi cấy điện ốc tai điều trị điếc; trẻ em tự kỷ, chậm nói hoặc rối loạn ngôn ngữ; người nói ngọng, nói lắp, nói giọng ái nam ái nữ…

Âm ngữ trị liệu là lĩnh vực can thiệp rất mới, nhưng cung vẫn chưa đủ cầu vì lượng trẻ em cần trị các chứng chậm nói, tật nói ngọng, nói lắp… được phụ huynh đưa đến can thiệp quá nhiều. Ước tính có 13 triệu người Việt Nam cần âm ngữ trị liệu để giúp họ giao tiếp, ăn và uống. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai các bé có nhu cầu về Âm ngữ trị liệu rất lớn. Theo TS Lê Minh Công (Phó chủ tịch Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục Đồng Nai) cho biết mỗi tháng trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức tiếp nhận khoảng 40 trường hợp có nhu cầu về trị liệu các rối loạn: trẻ em tự kỷ, chậm nói hoặc rối loạn ngôn ngữ, trẻ khiếm thình,…Do nhu cầu ngày càng lớn, nên Hoàng Đức cũng xác định việc cử nhân sự tham gia các khóa huấn luyện dài hạn là một việc rất cần thiết.  Điều này giúp cho Hoàng Đức có đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đủ khả năng độc lập phát triển chuyên ngành và thực sự chuyên nghiệp trong mô hình mà trung tâm đang theo đuổi. Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức hướng đến việc tiếp cận các mô hình, chương trình tiên tiến trên thế giới, cập nhật phù hợp với bối cảnh Việt Nam để từng bước xây dựng trung tâm trở thành một tổ chức uy tín, chất lượng cao, đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống các trung tâm giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ tại Việt Nam. Tháng 9 vừa qua Trung tâm tiếp tục cử cô Nguyễn Thị Thanh Thúy tham gia vào khóa học thứ 2 về Âm ngữ trị liệu Nhi do trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cộng tác với Trinh Foundation Australia (TFA) tổ chức.

Hoàng Đức luôn tự hào là một tổ chức tiên phong tại Đồng Nai và các tỉnh lân cận trong việc cung cấp các dịch vụ đánh giá và can thiệp sớm cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển và các rối loạn phát triển khác. Đó cũng là xứ mệnh mà Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức cam kết mang đến cho cộng động các chương trình giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ có chất lượng cao, bình đẳng cho tất cả các đối tượng bằng chính niềm đam mê, tình yêu và trách nhiệm cao của mình với xã hội.

(Bài ảnh: Ngọc Diễm)

Tin tức khác