Một số mô hình đánh giá và can thiệp sớm trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Hoa Kỳ (CDC), việc chẩn đoán tự kỷ là khó, vì chưa có test nào về y tế (ví dụ xét nghiệm máu) để chẩn đoán tự kỷ. Những người đánh giá chủ yếu xem xét vào những hành vi cũng như sự phát triển của trẻ để đưa ra chẩn đoán. Rối loạn phổ tự kỷ có thể được đánh giá ở 18 tháng tuổi hoặc trẻ hơn. Ở 2 tuổi, các chuyên gia có kinh nghiệm có thể đưa ra chẩn đoán khá chính xác (Lord, Risi, Dilavore, Shulman, Thurn, & Pickles, 2006). Nhưng cũng có những trẻ chỉ được chẩn đoán khi trẻ đã nhiều tuổi hơn. Việc chẩn đoán muộn sẽ dẫn tới việc trẻ không nhận được sự trợ giúp mà trẻ cần.
Trên thế giới và cả Việt Nam, khi nói về đánh giá tự kỷ hay các rối loạn phát triển khác, người ta thường có hai bước: sàng lọc/phát hiện và chẩn đoán. Tuy không phải trẻ nào được chẩn đoán tự kỷ cũng phải qua bước sàng lọc, nhưng sàng lọc thường là bước dễ làm, ngắn gọn trước khi trẻ được giới thiệu để chẩn đoán một cách toàn diện và kỹ lưỡng. Người được phép sàng lọc khá đa dạng, có thể là giáo viên, bác sĩ, cán bộ tâm lý, cán bộ công tác xã hội không cần bằng cấp hay chứng nhận gì. Tuy vậy, người được phép chẩn đoán phải là nhà đánh giá tâm lý được cấp chứng chỉ, với bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Bác sĩ nhi khoa hoặc tâm thần cũng có thể được chẩn đoán tự kỷ. Tuy vậy, tất cả họ, trước khi được nhận làm việc tại các cơ sở, đều phải qua các khóa đào tạo dài và ngắn hạn về tự kỷ, thực hiện các trắc nghiệm tự kỷ, và phải được thực hành có giám sát nhiều giờ cho đến khi kết quả đánh giá của họ cũng có độ tin cậy ở mức chấp nhận được. Những kết quả này được giám sát chặt chẽ bởi những người đánh giá khác cũng có kinh nghiệm và chứng nhận về đánh giá lâm sàng.
Quý vị có thể đọc toàn văn chuyên đề theo đường link: Download