AAC cho lớp học

Chúng tôi xin giới thiệu tới các bạn thêm một tài liệu vô cùng hữu ích, đó là Sổ tay "AAC cho lớp học". Đây là tài liệu do nhóm nhà chuyên môn âm ngữ trị liệu biên soạn với sự hỗ trợ của tổ chức Trinh Foundation.

AAC là viết tắt của cụm từ "Giao tiếp tăng cường và thay thế trong lớp học". Các bạn sẽ tìm thấy phần giải thích cho khái niệm này trong lời giới thiệu của tập tài liệu.

Một trong những điều mà cha mẹ có con tự kỷ đau đáu nhiều nhất là "làm sao cho con tôi nói được?". Có nhiều phụ huynh, thậm chí cả giáo viên can thiệp, còn nghĩ rằng nhất thiết phải nói được thì mới tiến bộ được, và tìm đủ cách can thiệp để trẻ bật ra lời nói. Nhưng đôi khi trẻ chỉ nói như vẹt, chỉ hát và đọc thuộc lòng các bài thơ, chỉ nhại lại các câu của cô và của mẹ do bị bắt ép, hoặc bị lôi cuốn bằng phần thưởng, chứ không thực sự biết sử dụng lời nói để giao tiếp. Trong trường hợp này, dù cho trẻ có thể phát ra được âm thanh lời nói, nhưng vẫn không thể học hỏi hiệu quả.

Những nhà chuyên môn thực sự hiểu về tự kỷ và có kinh nghiệm sâu sắc sẽ khuyên cha mẹ sử dụng giao tiếp tăng cường và thay thế. Đó là cử chỉ, điệu bộ hoặc đồ vật, tranh ảnh, công cụ khác... để hỗ trợ trẻ giao tiếp, hiểu biết qua lại giữa trẻ và mọi người. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả cao trong việc học hỏi mà còn làm trẻ cảm thấy dễ chịu, vui vẻ và hạnh phúc khi tham gia trị liệu.

Thực tế thì rất nhiều trường học đã áp dụng AAC rất hiệu quả. Nếu có dịp tham quan các trung tâm trị liệu tự kỷ ở nước ngoài, các bạn sẽ thấy tràn ngập những đồ vật, ảnh, thẻ, tranh, bảng, bút, tấm dính, dán, và cả máy tính bảng nữa... Có một số người lo ngại rằng những thứ này làm trẻ "lười" nói hơn, nhưng thực tế thì không phải như vậy. Mặt khác, giao tiếp mới là điều thực sự quan trọng chứ không phải lời nói. Khả năng nói của một người tự kỷ có thể bị hạn chế suốt đời, nhưng cha mẹ và giáo viên vẫn giúp họ giao tiếp được theo những cách thức khác.

Cuốn sổ tay "AAC cho lớp học" này được biên soạn rất dễ hiểu cho mọi cha mẹ và giáo viên. Nó sẽ trình bày những kỹ thuật và cách sử dụng giao tiếp tăng cường và thay thế, có giải thích cụ thể và hình ảnh minh họa. Tất cả những gì bạn cần phải có là sự kiên trì thực hiện, sự sáng tạo trong thực hành. Hãy trút bỏ nỗi lo "sao con tôi không nói được, làm thế nào để con nói được" sang một bên. Chúng ta hãy suy nghĩ một cách khác đi, là điều gì cũng có thể sửa chữa và thay thế được, kể cả lời nói.

Ngay cả khi con bạn đã lớn, không có ngôn ngữ và bạn đang cảm thấy tuyệt vọng, bạn vẫn nên đọc cuốn Sổ tay này. Hãy thử những cách thức và lời khuyên ở đây, và bắt đầu hành trình lần nữa. Không bao giờ là quá muộn cả (Trích: Tủ Sách Tự kỷ).

Xin vui lòng down tài liệu tại đây: AACinClassroom-cho-lorp-hoc.pdf

Góc chuyên môn khác